26 tháng 9, 2011

CÔNG VIÊN TAO ĐÀN


Trong không khí chào mừng Sài Gòn thân yêu của chúng mình tròn 313 tuổi và đón chờ chương trình “Sài Gòn 313” diễn ra, chúng mình hãy cùng dạo 1 vòng quanh thành phố để điểm qua 1 số chứng tích lịch sử nhé.

Chú ý nè: có thể là các bạn đều đã biết những địa danh này rồi nhưng hãy dành ra 1 ít thời gian để đọc nhé. Vì nếu như bạn có ý định dẫn dắt đội của mình “rinh” nhiều quà trong tour “Sài Gòn 313” sắp tới thì đây có thể là 1 gợi ý nho nhỏ để bạn chiến thắng trong trò giải mật thư đấy. ^^

Công viên Tao Đàn

Địa chỉ: 55C Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận1


Công viên là lá phổi lớn nằm giữa trung tâm Thành phố với diện tích 10 ha, có trên 100 chủng loại cây thảo mộc có tuổi thọ 100 năm, với mảng xanh tuyệt vời, bãi cỏ, cây xanh, hoa kiểng v.v… được thiết kế khá đẹp, là nơi nghỉ ngơi giải trí và nghiên cứu thảo mộc cũng như môi trường tự nhiên của mọi tầng lớp xã hội. Ngay giữa trung tâm Sài Gòn sầm uất, công viên đã tạo được một khoảng không gian mát mẻ dành cho người đi dạo hít thở không khí trong lành.

Lịch sử

Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869 người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi Dinh. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat phía bắc, rue Verdun phía tây, và rue Taberd phía nam. Khu vườn chính thức mang tên "Jardin de la Ville" nhưng người Việt quen gọi đó là "Vườn Ông Thượng" hay "Vườn Bờ-rô", có lẽ là phiên âm préau tiếng Pháp nghĩa là "sân lát gạch."

Tiếp theo thành phố xây dựng thêm cơ sở trong khu vườn cho Hội Hiếu nhạc (Société philharmonique) năm 1896, Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) năm 1897, và Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais) năm 1902 gồm sân đá bóng (túc cầu hay bóng đá), hồ bơi, và sân quần vợt. Sân đá bóng đó lúc bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội bóng ngoại quốc đến đấu.

Năm 1926 ở góc đường Chasseloup-Laubat và Verdun chính phủ lại xây thêm Viện Dục nhi (Institut de puériculture) để giáo dục trẻ em.

Sau khi người Pháp rút lui, Dinh Toàn quyền trở thành phủ Tổng thống và tên vườn đổi là "Vườn Tao Đàn". Bốn con đường chung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công chúa, Hồng Thập tự, Lê Văn Duyệt, và Nguyễn Du. Viện Dục nhi thì được dùng làm Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng hoà. Vườn vẫn giữ là công viên chính của thành phố.

Sau năm 1975, Vườn Tao Đàn đổi tên là "Công viên Văn hoá" được kết hợp tổ chức các trò chơi, các sinh hoạt vui chơi giải trí công cộng mang tính giáo dục thẩm mỹ, trí tuệ, thể dục cho các cháu thanh thiếu niên, đồng thời là nơi tập thể dục dưỡng sinh nâng cao tuổi thọ và chữa bệnh cho những người lớn tuổi, là đơn vị phục vụ công ích cho mọi tầng lớp trong xã hội. Công viên tiếp nhận hàng ngày từ 3.000 đến 4.000 lượt người đến sinh hoạt, riêng những ngày lễ tiếp nhận trung bình 100.000/lượt người/ngày. Tuy nhiên vườn vẫn được biết đến với đặc trưng là có nhiều cây xanh. Công viên còn là nơi trưng bày triển lãm hoa xuân mỗi dịp trước Tết Nguyên Đán. Nói chung, hoạt động của công viên đã mang lại nhiều hiệu quả về mặt xã hội. Công viên Tao Đàn là một địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện cho các ban ngành Thành phố tổ chức các sinh hoạt lễ hội, hội chợ triển lãm hàng năm với quy mô vừa và lớn. Những năm qua, rất nhiều lễ hội, hội chợ, sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng, tiêu biểu cho nhân dân Thành phố đã diễn ra ở đây.

Nguồn bài viết: SaigonShow GroupWikipedia Việt Nam

Ảnh: SaigonShow photo studio

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét