2 tháng 10, 2011

Bến phà Thủ Thiêm

Lần trước các bạn đã biết về công viên Tao Đàn, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục xem thử những địa điểm khác như thế nào nhé. Rất quan trọng đấy, nếu như bạn và nhóm của bạn muốn trở thành đội chiến thắng để nhận được những phần quà hấp dẫn từ Ban tổ chức thì hãy dành thời gian ghé thăm những địa điểm sau nhé!

Và nếu bạn chưa mua vé tham gia chương trình, đừng ngần ngừ mà điền vào form đăng ký online hoặc gọi điện thoại ngay cho Câu lạc bộ Nguồn nhân lực trẻ để được giao vé và thu tiền tận nơi. Hạn chót là 13/10/2011 đấy, đừng để lỡ nhé!

Hôm nay chúng ta sẽ đi tiền trạm một địa điểm đã có lịch sử hơn 300 năm.

Bến phà Thủ Thiêm

"Sài Gòn có Bến Chương Dương

Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Có Chợ Quán, có Cầu Kho

Có Bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm".

Bến Phà Thủ Thiêm (phía Q2) nối từ đường Lương Định Của

Trước, khi chỉ có cầu Sài Gòn dẫn từ nội thành ra Thủ Đức, phương tiện đưa người dân phía Thủ Thiêm sang sông vào trung tâm thành phố nhanh nhất chỉ có những chiếc đò ngang. Những năm 1990, đò ngang không đảm bảo an toàn cho khách khi thường xuyên có tàu biển lớn qua lại sông Sài Gòn nên bị TP HCM cấm hoạt động. Thay vào đó, phà trở thành phương tiện vận chuyển an toàn hơn.

Bến phà Thủ Thiêm đưa đón khách nối quận 2 với trung tâm thành phố, thời gian đó là tuyến giao thông thủy được đông đảo người dân lựa chọn. Mỗi ngày có 238 chuyến phà qua lại hai bờ Đông Tây sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, với việc thông xe cầu Thủ Thiêm cách đây 3 năm và ngày 20/11 tới sẽ chính thức thông xe đường hầm vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm, bến đò Thủ Thiêm - một dấu ấn của Sài Gòn sẽ chỉ còn tồn tại trong câu ca vốn nằm lòng người Sài Gòn gốc:

“Sài Gòn có bến Chương Dương

Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Có Chợ Quán, có Cầu Kho

Có bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm”.

Bến phà Thủ Thiêm đưa đón khách nối quận 2 với trung tâm thành phố, từng là tuyến giao thông thủy được đông đảo người dân lựa chọn.

Bến phà Thủ Thiêm sẽ chấm dứt hoạt động sau hơn 35 năm. Ảnh: Hữu Công.

Anh Phạm Văn Hùng, người thường xuyên phải qua lại từ quận 2 và quận 1 để đi làm từ 10 năm nay, lại gắn bó với chuyến phà vì lý do khác. "Một ngày tôi qua lại khúc sông này 6 lần. Khi có cầu biết là sẽ đỡ tốn tiền hơn nhưng vẫn thích đi phà, để được ngắm cảnh sông nước, bồng bềnh cùng sóng và thoát khỏi giây phút ồn ào của thành phố dù chỉ trong ít phút", anh tâm sự.

Từng là một trong những nút giao thông huyết mạch, "con đò" ngang sông Sài Gòn này đã đi vào ký ức người dân như một biểu tượng của thành phố từ hơn 300 năm nay.

Nguồn bài và ảnh: VnExpress và Wikimapia

Tổng hợp: Hà Thu

Phà Thủ Thiêm sắp phải ngưng hoạt động mất rồi, đối với người Sài Gòn gốc đã gắn bó bao năm với những chuyến phà ở đây thì thật bồi hồi. Mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây của tác giả Nguyên Quốc về những ký ức của bến phà lịch sử này.

Ký ức phà Thủ Thiêm

(Bài viết được đăng trên Trang Thành phố Hồ Chí Mình, ngày 15/09/2011)

Dự kiến, cuối tháng 11-2011, hầm Thủ Thiêm ngầm dưới sông Sài Gòn sẽ chính thức thông xe kỹ thuật. Cùng với cầu Thủ Thiêm đã được khánh thành cách đây ba năm, hai công trình hiện đại này sẽ chấm dứt hơn 35 NĂM hoạt động của những chiếc phà Thủ Thiêm đưa đón khách qua lại trên sông Sài Gòn.

Phà Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn.

Có lẽ, hình ảnh chiếc đò ngang, chèo tay hoặc gắn máy đuôi tôm đưa khách qua lại từ bờ sông Sài Gòn (phía quận 1) sang bến Cây Bàng (phía quận 2) là hình ảnh sơ khai, thân thương của những chiếc phà sau này. Hình ảnh đó đã được minh họa bằng câu thơ dân gian:

“Bắp non mà nước lửa lò

Ðố ai "ve" được con đò Thủ Thiêm”

Câu hò dân gian này có từ bao giờ? Con đò Thủ Thiêm tại sao mà "cao giá" quá vậy? Chính cụ Nguyễn Văn Du (trước đây ngụ tại 318 đường Ven Sông, phường An Lợi Ðông, Thủ Thiêm), đã hơn 85 tuổi, sống "cha sanh mẹ đẻ" tại bến Cây Bàng này, cũng không biết xuất xứ của câu hò này, cũng chẳng biết nó có từ đời thuở nào. Chỉ biết từ bé, cụ đã nghe các bà, các chị hò rồi.

Chị Châu Tú, 57 tuổi, ngụ ở gần đó, đã "mòn đời chèo ghe" đưa khách qua lại trên sông Sài Gòn cũng chẳng biết gì hơn. Chị kể, bến đò Cây Bàng phía quận 2 hiện là miệng hầm Thủ Thiêm đang hối hả thi công. Người dân của ấp Cây Bàng chủ yếu sống bằng nghề chèo ghe đưa khách và buôn bán lặt vặt trên sông, ven bến. Thu nhập chỉ vừa đủ ăn. Rồi quãng đâu năm 1978, 1979 gì đó, "Nhà nước thấy nghề chèo ghe đưa khách qua sông quá nguy hiểm, cản đường các luồng tàu lớn đi qua, cho nên bắt đầu xây dựng bến phà và cấm luôn nghề chèo ghe đưa khách. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng khách đò ngang".

Mà cái nghề đưa đò cũng lạ, "làng nghề này hoạt động suốt cả ngày đêm. Khách ít cũng đi. Ðặc biệt, bất cứ người khách lạ nào xuống đò cả làng đều biết, đều nhớ. Lần sau (có khi cả tháng), khách đi lại là họ nhớ ngay, nhớ cả nơi khách lên để đưa tới "đúng chóc".

Cụ Du cho biết, thật ra phà Thủ Thiêm đã có trước ngày đất nước thống nhất. Lúc đó, phà chỉ có bốn chiếc đánh số thứ tự 1, 2, 3 và 4. Nhưng sau đó bến phà bị hư hại nặng, cả bốn chiếc phà cũng bị hư máy, xuống cấp phải nằm ụ, sửa chữa rất lâu tại xưởng Ba Son, vài năm sau mới đưa vào sử dụng. Một phần vì xăng, dầu lúc đó rất ít, mắc tiền, được ưu tiên sử dụng cho các ngành công nghiệp, sản xuất. Dịch vụ chưa phải là ưu tiên lớn. Phà đã chạy rồi, nhưng khách qua sông vẫn cứ nhớ các "con đò Thủ Thiêm", cho nên vẫn sử dụng đò là chủ yếu. Mặc cho việc năm nào cũng có tai nạn do tàu lớn, sà-lan va quệt với các con đò ngang. Phà rất vắng khách. Sau khi cấm hẳn ghe chở khách sang sông vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các chiếc phà trở thành phương tiện chính chở khách và hàng hóa nối hai bờ sông Sài Gòn. Khách đi phà ngày một đông theo đà phát triển kinh tế, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh. Có những ngày giáp Tết, lễ... phà Thủ Thiêm đã quá tải và khách qua sông phải chờ đến cả tiếng mới có thể qua được bờ bên kia. Tình thế bắt buộc thành phố tăng cường thêm ba chiếc phà nhỏ nữa, đánh thứ tự bằng ký hiệu A, B, C. Và phà Thủ Thiêm đã có "quân số" là bảy chiếc, hoạt động từ đó đến nay, suốt cả ngày lẫn đêm.

Mặc dù với tiền đã được đền bù di dời cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đang lớn nhanh từng ngày, cả cụ Du và chị Tú, đã mua đất cất nhà ở tận Bình Thái (quận 9), đều ao ước. "Cả đời chúng tôi đã ở trên sông rồi, cách đây ba năm, chúng tôi đã được đi trên cây cầu mới Thủ Thiêm. Nay mà đi được dưới "lòng sông" là mãn nguyện cuộc đời". Cùng niềm ao ước đó, anh Trần Văn Hiếu, nhà ở đường Lương Ðịnh Của, quận 2, công nhân lái phà đã hơn 25 năm, "mong lắm khi hầm hoàn thành, đi dưới lòng sông mà phía trên mình đã đưa đón khách cả nghìn lần rồi, "cho nó đã"".

Nói vậy, nhưng anh Hiếu cũng thoáng chút ngậm ngùi vì cái phận lái phà, đưa khách đã ăn vào máu anh hơn một phần tư thế kỷ, đâu có ít ỏi gì mà bỗng quên ngay được. Nhớ, nhớ lắm tiếng còi phà mỗi lần ra, vào bến, vang loang loáng trên mặt sông. Lái phà nhiều năm, anh cũng nhớ nhiều phận người qua sông. Nhớ thằng nhỏ, học tiểu học tít bên quận 4, đi về mỗi ngày. Quay qua, quay lại, nó đã trưởng thành, đi làm bên quận 3. Ðàng hoàng và tử tế như người ta. Rồi nó lấy vợ, đón dâu cũng bằng chiếc phà Thủ Thiêm của tụi tôi. Bản thân anh Hiếu, cũng trưởng thành, lập gia đình, có cơ ngơi, hai đứa con đều ngoan, học giỏi... cũng từ các chuyến phà mà ra.

Dấu ấn và hình ảnh của những chuyến phà Thủ Thiêm đã ăn vào tiềm thức, vào tình cảm của người dân thành phố không biết từ lúc nào. Nó sâu đậm đến nỗi, đã trở thành một biểu tượng mà người thành phố rất tự hào:

“Sài Gòn có bến Chương Dương

Có dinh Ðộc Lập, có đường Tự Do

Có chợ Quán, có cầu Kho

Bến xe liên tỉnh, bến đò Thủ Thiêm”

Ca dao dân gian mới, rất giàu hình ảnh chứng tỏ người dân Sài Gòn đã "lậm" biểu tượng bến phà Thủ Thiêm quá rồi. Rồi cầu Thủ Thiêm hoàn thành, phà Thủ Thiêm dần mất đi chức năng quan trọng của mình. Trước đó, mỗi ngày, phà Thủ Thiêm vận chuyển hơn 45.000 lượt khách. Sau khi cầu hoàn thành, lượng khách giảm mạnh, chỉ còn khoảng 9.000 lượt mỗi ngày. Từ hơn 230 chuyến mỗi ngày, nay đã giảm chỉ còn vài chục chuyến. Công ty quản lý cầu phà TP Hồ Chí Minh đã phải liên tục bù lỗ để duy trì hoạt động từ đó đến nay. Ðây là một gánh nặng tài chính thật sự. Sứ mạng lịch sử của nó hầu như đã được báo trước thời điểm bàn giao khi đốt hầm ngầm đầu tiên được dìm thành công dưới lòng sông Sài Gòn.

Phà Thủ Thiêm đã đi dần vào khoảnh khắc bàn giao của lịch sử, Công ty quản lý cầu phà TP Hồ Chí Minh cũng có các phương án bảo đảm công ăn việc làm cho 44 lao động. Họ là công nhân lái phà, điều phối và kiểm soát vé. Theo đó, công ty đề nghị thành phố cho mở tại bến phà hiện nay một bến thủy nội địa, phục vụ khách du lịch tham quan cảnh sông nước Sài Gòn. Phương án này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động. Còn lại sẽ bố trí công tác khác. Nếu không được chấp thuận, công ty cũng sẽ giữ lại khoảng 17 lao động để chuyển sang phà Cát Lái, hiện cũng đang quá tải. Số lao động còn lại, sẽ được chuyển sang công tác tại Trung tâm quản lý hầm Thủ Thiêm. Dường như, phương án lập bến du lịch đường thủy nội địa đang có sự đồng thuận của nhiều ngành và cả người dân. Vì ngay cả các nước tiên tiến, hiện đại trên thế giới, có nhiều công trình cầu, hầm vượt sông tiện nghi, người ta vẫn giữ lại những chiếc phà để du khách có dịp thưởng thức cảnh quan sông nước. Quan trọng hơn, những chuyến phà Thủ Thiêm đã quá gắn bó với tình cảm của người dân thành phố nói riêng và du khách cả nước nói chung. Nó đã là một "phần hồn" của thành phố, là di sản trong lòng người. Với người dân thành phố, chiều chiều ra đón gió, ngắm cảnh trên bến Bạch Ðằng, nhìn những chuyến phà qua lại, nghe văng vẳng tiếng còi tàu... Ðó là cả một niềm vui, một ký ức khó phai mờ.

NGUYÊN QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét